Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, theo đó thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với bốn môn và nhận được sự ủng hộ của học sinh, giáo viên.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT có hai môn bắt buộc (ngữ văn, toán) với hai môn lựa chọn (trong số các môn ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ). Như vậy, sẽ có hai môn mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là tin học và công nghệ.
Nội dung chính
Nhiều học sinh tại Tp HCM chọn môn tiếng Anh
Ngày 30-11, chúng tôi khảo sát 30 học sinh lớp 11 ở các trường THPT Tp HCM. Đây là lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 10 và sẽ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với bốn môn. Kết quả 100% học sinh được hỏi đã trả lời sẽ chọn tiếng Anh là môn lựa chọn thứ nhất để thi tốt nghiệp. Môn lựa chọn thứ hai phụ thuộc vào phương thức xét tuyển của trường đại học các em nhắm đến.
“Em đã học tiếng Anh từ lớp 1. Ngoài ra, em còn học thêm tiếng Anh ở trung tâm và cũng dành khá nhiều thời gian cho môn học này. Em học tiếng Anh vì đó là môn học sẽ sử dụng nhiều trong cuộc sống. Vì vậy, em rất tự tin khi đăng ký thi tốt nghiệp môn tiếng Anh” – Bích Trâm, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, giải thích.
Cùng chung ý kiến, Gia Huy – học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa – cho hay: “Tiếng Anh là một trong những môn học thuộc diện thế mạnh của em. Do đó, chắc chắn em sẽ chọn nó là môn thi tốt nghiệp. Môn lựa chọn thứ hai sẽ là hóa hoặc sinh vì em dự định xét tuyển đại học khối B”.
Hiệu trưởng một trường THPT ở quận 3 chia sẻ: “Dự báo đa số học sinh ở các quận nội thành TP.HCM sẽ chọn tiếng Anh để thi tốt nghiệp. Những năm qua, điểm thi môn tiếng Anh của học sinh TP.HCM luôn đứng đầu cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tiếng Anh không chỉ là thế mạnh của học sinh TP.HCM mà hiện nay nhiều trường đại học cũng rất chú trọng đến trình độ tiếng Anh của ứng viên khi xét tuyển đầu vào”.
Tính toán tổ hợp xét đại học
Theo một giáo viên chủ nhiệm lớp 11 của Trường THPT Sài Gòn tuy không khảo sát chính thức nhưng thăm dò sơ bộ đa số học sinh sẽ lựa chọn môn tiếng Anh là môn thi thứ ba (sau toán, văn) và chỉ cân nhắc môn lựa chọn tiếp theo.
Còn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 Trường THPT Quang Trung – Đống Đa (Hà Nội), cho biết bạn muốn chọn lịch sử, địa lý để có thể xét tuyển đại học tổ hợp khối C00 (văn, sử, địa) nhưng cũng muốn thi tiếng Anh để có thêm cơ hội xét tuyển tổ hợp khác. Theo Hiếu, Bộ GD-ĐT không cho phép thi quá hai môn lựa chọn nên bạn đang phải cân nhắc.
“Ở lớp em, các bạn giỏi tiếng Anh sẽ có xu thế chọn tiếng Anh và một môn khác tùy theo sở trường và xu thế xét tuyển đại học. Ví dụ tiếng Anh và vật lý để có hai tổ hợp xét tuyển với toán, lý, Anh và toán, văn, Anh.
Cũng có một số bạn xác định xét tuyển đại học bằng phương thức khác nên sẽ chỉ chọn các môn thi để đỡ phải học nhiều. Ví dụ chọn tiếng Anh khi có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế rồi để được miễn thi. Môn lựa chọn thứ hai có thể chọn một môn sở trường hoặc dễ đạt điểm 5 trở lên nhất” – Hiếu cho biết.
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang – hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) – học sinh Hà Nội không quá quan tâm đến chuyện “tốt nghiệp” vì với lực học trung bình, khá các em có thể đạt kết quả đủ để tốt nghiệp.
Điều học sinh quan tâm nhiều hơn là phương án thi có thuận tiện cho việc xét tuyển đại học hay không. Nên việc giảm số môn thi, trong đó có 50% số môn thi được lựa chọn khiến nhiều học sinh và phụ huynh phấn khởi…
Tuyển sinh đại học sẽ ra sao?
Thầy Nguyễn Thanh Hùng – giáo viên Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết: “Phương án thi như trên không chỉ giảm áp lực cho học sinh mà còn phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó là định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT”.
Trong khi đó, nhiều học sinh đang học lớp chuyên tin học ở các trường chuyên trên địa bàn TP.HCM vui mừng vì được thi môn sở trường. “Em nghĩ thêm hai môn tin học và công nghệ vào danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT là phù hợp với thực tế. Như vậy, học sinh sẽ chọn môn học thoải mái hơn trước, không phải phân vân giữa môn học mình thích và môn thi tốt nghiệp nữa” – Nguyễn Thắng, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhận định.
Mai Hương, học sinh lớp 11 Trường THPT Phú Nhuận, đề xuất: “Hiện chúng em đang chờ đợi Bộ GD-ĐT công bố cách thức tuyển sinh vào đại học. Vì đây mới là đích đến cuối cùng của chúng em. Em mong bộ sẽ công bố sớm để chúng em có thời gian chuẩn bị”.