Trường THPT Sài Gòn đổi mới phương pháp dạy học, phát triển phẩm chất cho học sinh để xây dựng trường học phát triển toàn diện.
Phát động phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”
Để nâng cao chất lượng giáo dục đạt kết quả cao, những năm qua Ban Giám hiệu trường THPT Sài Gòn đã phát động các phong trào thi đua, để tạo động lực cho cán bộ, giáo viên, học sinh phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học.
Ngay từ đầu năm học mới 2024 – 2025, trường THPT Sài Gòn đã quán triệt tinh thần chỉ đạo và hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP Hồ Hồ Chí Minh về xây dựng kế hoạch, thực hiện quy chế chuyên môn, xây dựng khối đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, giáo viên. Nhà trường tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể, phụ huynh học sinh trong quản lý, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.
Đồng thời, nhà trường tổ chức và phát động sâu rộng phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; phát huy vai trò quản lý, tính chủ động của các tổ chuyên môn trong hoạt động dạy và học…
Thầy Nông Ngọc Xô, Hiệu trưởng Trường THPT Sài Gòn cho biết: Năm học 2024 nhà trường đã chỉ đạo thực hiện lập Kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ giáo viên do Sở GD&ĐT tổ chức. 100% cán bộ quản lý, giáo viên đã hoàn thành bồi dưỡng nội dung các module của Chương trình theo yêu cầu chỉ đạo của Sở giáo dục, Bộ GD&ĐT.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học để có căn cứ xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị theo yêu cầu kiên cố hoá. 100% phòng học của Nhà trường có điều hoà, sân tập thể dục đa năng có mái che. Qua đó, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung, chương trình giảng dạy các môn học theo các chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh các khối lớp 10, 11 và Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với học sinh khối lớp, 12). Nhờ chất lượng đào tạo vượt trội, hằng năm học sinh đăng ký tuyển sinh lớp 10 vào trường THPT Sài Gòn luôn đạt chi tiêu được giao.
Theo thầy Nông Ngọc Xô, một trong những giải pháp trọng tâm của nhà trường trong nâng cao chất lượng giáo dục là đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá. Việc đổi mới phương pháp được thực hiện kiên định và nhất quán theo phương châm “phát huy tính tích cực của học sinh”.
Nhà trường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn thực hiện nghiêm túc việc xây dựng các đề kiểm tra thường xuyên, đề kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất. Hình thức đề kiểm tra phối hợp giữa tự luận và trắc nghiệm, được xây dựng theo hướng vừa kiểm tra năng lực, vừa đánh giá kỹ năng của học sinh. Qua đó, khơi dậy niềm đam mê, tạo môi trường cho học sinh phát triển năng lực, đáp ứng việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy và học trong giai đoạn hiện nay. Nhà trường cũng tạo ra cơ hội và động lực, giúp học sinh thay đổi tư duy sáng tạo, chủ động và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin…
Ngoài ra, Nhà trường đẩy mạnh các phòng trào ngoại khoá, CLB, kỹ năng sống… để học sinh ngoài học kiến thức còn được phát triển toàn diện về văn – thể – mỹ.
Nâng cao nghiệp vụ chuyên môn trong giảng dạy
Hàng năm, trường THPT Sài Gòn đều tổ chức các cuộc thi, hội thi và khuyến khích đội ngũ giáo viên tham gia các phong trào thi đua như: Hội thảo, hội giảng các trường THPT, qua đó đã phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, nhân rộng những điển hình tiên tiến, tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp.
Mỗi thầy, cô giáo trong trường không ngừng học hỏi, sáng tạo và mong muốn phát huy năng lực, sở trường của bản thân trên tất cả các lĩnh vực; mỗi học sinh thêm tự tin vào khả năng của bản thân, yêu mến mái trường của mình. Nguồn sức mạnh tập thể đó trở thành tiền đề để nhà trường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.