Theo BGH trường THPT Sài Gòn bỏ cộng điểm nghề không chỉ nâng cao uy tín của kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà còn góp phần khuyến khích HS phát triển toàn diện hơn trong môi trường học tập hiện đại.
Năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Bộ giáo dục và Đào tạo đã bỏ quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp trung học phổ thông.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí khoa học và Công nghệ Y khoa, nhiều thầy cô đồng tình với nội dung trên. Bởi lẽ, điều này phù hợp với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi học sinh không còn học nghề để lấy chứng chỉ sơ cấp nghề như chương trình giáo dục phổ thông trước đây. Một số nội dung của chương trình nghề phổ thông được tích hợp vào Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Điểm nghề thực tế không nhiều ảnh hưởng trong quá trình xét tốt nghiệp
Trao đổi với phóng viên, thầy Hồ Viết Cường – Phó Hiệu Trưởng Trường THPT Sài Gòn chia sẻ: “Theo tôi, việc bỏ cộng điểm nghề là hợp lý. Với phương án kiểm tra, đánh giá mới, chỉ cần các em nỗ lực học tập, điểm học bạ sẽ được cải thiện đáng kể. Trước đó, tại Điều 45 dự thảo thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, có nêu về điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông gồm điểm các môn thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp.
Tuy nhiên, ở các khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, điểm nghề vẫn rất quan trọng đối với học sinh. Với 3 mức cộng điểm (loại giỏi đối với giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với bằng tốt nghiệp trung cấp được cộng 2,0 điểm; loại khá đối với giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá đối với bằng tốt nghiệp trung cấp được cộng 1,5 điểm; loại trung bình được cộng 1,0 điểm), điều này đã hỗ trợ các thí sinh tốt nghiệp dễ dàng hơn. Đối với học sinh có học lực khá trở lên, điểm nghề thực tế không mang lại nhiều ảnh hưởng trong quá trình xét tốt nghiệp”.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, Thạc sĩ Trần Ngọc Quang Tạo – Tổ trưởng tổ Tự nhiên Trường THPT Sài Gòn nêu quan điểm: “Theo tôi, bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề khi xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 là hợp lý, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Về thuận lợi, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh cấp trung học phổ thông sẽ học ít môn hơn so với chương trình phổ thông 2006. Bên cạnh những môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn một số môn học theo nhu cầu, sở thích, thiên hướng, định hướng nghề nghiệp của bản thân. Như vậy, sẽ tạo động lực, hứng thú trong học tập, kết quả học tập sẽ tốt hơn, chất lượng cao hơn.
Đặc biệt, với các em thí sinh hệ giáo dục thường xuyên, “đầu vào” tuyển sinh thường không bằng học sinh tại các trường trung học phổ thông, nên cũng có một số em nhờ cộng điểm khuyến khích mà đủ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông, tuy nhiên, tỷ lệ này không nhiều”.
Việc bỏ cộng điểm nghề trong xét tuyển thi tốt nghiệp trung học phổ thông được xem là hợp lý trong bối cảnh cần đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong giáo dục. Chính sách này giúp đánh giá năng lực học sinh dựa trên kết quả học tập và thi cử thực chất, thay vì dựa vào yếu tố điểm cộng.
Cũng theo thầy Trần Ngọc Quang Tạo, bỏ cộng điểm nghề là cơ hội để hệ thống giáo dục điều chỉnh, tập trung vào chất lượng giảng dạy và định hướng nghề nghiệp thực chất. Việc thay đổi này không chỉ nâng cao uy tín của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn góp phần khuyến khích học sinh phát triển toàn diện hơn trong môi trường học tập hiện đại.
“Việc bỏ cộng điểm cũng thúc đẩy học sinh tập trung hơn vào việc học các môn học và hoạt động giáo dục để phát triển toàn diện. Tuy nhiên, để duy trì giá trị của giáo dục nghề nghiệp, cần có những biện pháp khác, như tổ chức các chương trình hướng nghiệp, tăng cơ hội thực hành cho học sinh” – vị Hiệu trưởng nêu ý kiến.
Bỏ cộng điểm nghề là một bước tiến trong cải cách giáo dục
Chia sẻ với phóng viên, thầy Nông Ngọc Xô – Hiệu trưởng một trường THPT Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc cộng điểm nghề cho học sinh từ trước đến nay cũng không hẳn mang lại hiệu quả trong việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh một cách hiệu quả.
Thầy Xô cho biết: “Hiện nay, đa số học sinh của trường không phụ thuộc vào điểm nghề, vì các em đều đạt trên mức điểm đỗ. Do đó, tôi hoàn toàn đồng ý với việc bỏ cộng điểm nghề.
Thay vào đó, việc học nghề nên được điều chỉnh theo hướng gắn kết với các ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, điều này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Trong Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, việc tích hợp thêm các hoạt động thực hành thay vì lý thuyết sẽ giúp học sinh tiếp cận tốt hơn và có những kỹ năng thực tế hữu ích”.