Trường THPT SG nâng cao năng lực cho nhân viên Y tế học đường

Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình y tế trường học từ năm học 2022-2023, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan ban ngành, địa phương và các Trường nhằm đẩy mạnh hoạt động công tác y tế học đường.

Theo các báo cáo thống kê gần đây của Bộ GD-ĐT, cả nước có 75,3% trường học có phòng y tế học đường, nhưng số phòng y tế đạt yêu cầu về diện tích chỉ chiếm 49,9%. Bên cạnh đó, chỉ 43,4% trường học có trang thiết bị sơ cứu ban đầu cho học sinh.

Hầu hết các Trường đều thiếu hoặc yếu về nhân sự làm công tác y tế học đường, nhiều Trường THPT thành phố Hồ Chí Minh chỉ có giáo viên kiêm nhiệm làm nhân viên y tế học đường. Về năng lực thì tỷ lệ người được đào tạo trung cấp y sĩ đa khoa trở lên rất thấp.

Theo TS Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT), một thời gian dài, Y tế trường học chưa được quan tâm đúng mức, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc đến chế độ, chính sách cho cán bộ y tế, nên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của nhân viên Y tế trường học.

TS-BS Y khoa Mai Mạnh Tuấn cho chia sẻ: Qua thực tế theo dõi công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe học sinh ở các trường học thì nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế dự phòng của Phường 12 để nắm thông tin các trường hợp học sinh có tiền sử bệnh lý để từ đó chủ động có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ sức khoẻ cho các em trong quá trình học tập.

Thầy Nông Ngọc Xô, Hiệu Trưởng Trường Trung học phổ thông Sài Gòn cho biết: Nhà trường đã tuyển dụng Bác sĩ đa khoa để làm công tác y tế học đường, chăm sóc sức khoẻ và tư vấn cho học sinh, các bậc phụ huynh các thói quen trong sinh hoạt tích cực để bảo vệ sức khoẻ tốt nhất. Ngoài ra, Nhà tường cũng đang hoàn thiện các văn bản, quy định về chính sách cũng như sắp xếp, kiện toàn công tác y tế học đường gắn với y tế cơ sở tại địa phương.

Theo kết quả nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Việt Nam vào năm 2020, tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 tuổi ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM đang sử dụng thuốc lá điện tử là 7,3%. và có đến 43,07% học sinh dành phần lớn thời gian trong ngày cho các hoạt động ít vận động thể lực, ảnh hưởng chỉ số cân nặng, cholesterol máu…Do vậy, để cải thiện được sức khoẻ học đường thì Trường Trung học phổ thông Sài Gòn đã không ngừng quan tâm đến công tác truyền thông, giúp học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn bảo vệ và nâng cao sức khoẻ.

-->