Một số yếu tố tác động tới lựa chọn nghề nghiệp của học sinh tạo ra sự nhầm lẫn và sai định hướng

(HĐTN – HN lớp 10) Trong chương trình học lớp 10 đã có sự phân bổ môn học, khối học theo định hướng, nhưng cũng chỉ mới là khởi điểm, chưa ổn định bởi các em còn chưa xác định đúng được định hướng nghề nghiệp trong tương lai của mình, và sự nhìn nhận còn mang tính cảm tính, thiếu thực tế. Các nguyên nhân dẫn đến việc nhìn nhận này sẽ được phân tích trong bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Không tìm hiểu kĩ ngành nghề

Khi lựa chọn nghề, nếu không tìm hiểu tới những khó khăn cũng như thuận lợi của ngành nghề sẽ dẫn đến những tình huống không thể giải quyết tốt: sợ máu, không đánh giá được các tình huống bác sỹ làm gì, tiếp xúc với ai, trong môi trường nào, có phù hợp sức khỏe, khả năng bản thân có thể đáp ứng yêu cầu công việc hay không?

Với ngành nghề các em quan tâm thì các em phải có sự đam mê với nghề mới có thể vượt qua được khó khăn nhất thời.

Bị thu hút bởi vẻ hào nhoáng của nghề

Trong cuộc sống có  nhiều người thành công với nghề của họ, kiếm được rất nhiều tiền, và trở nên nổi tiếng ví dụ như ca sĩ, diễn viên, họ là người của công chúng được cả xã hội biết đến. Xuất phát từ thực tế đó, có nhiều em suy nghĩ muốn bản thân sẽ đi theo họ để có được sự nổi tiếng, có nhiều tiền. Nhưng các em chưa hiểu, để trở thành người như vậy, thì những người đó đã phải luyện tập rất nhiều, rất gian khổ và phải có năng khiếu chứ không phải muốn là được. Những sự thành công ấy đều là kết quả của một quá trình rèn luyện gian nan chứ không đơn giản nhé.

Chọn nghề theo sự sắp xếp của gia đình – bạn bè rủ rê

Ai cũng có một năng lực riêng, sở thích riêng, năng khiếu riêng không ai giống ai. Việc cha mẹ, thầy cô mong muốn và định hướng cho bạn theo ngành nghề đó nhưng bạn chưa hẳn đã phù hợp với ngành đó, chỉ có chính bạn thân bạn mới hiểu. Nếu bạn không tự phân tích kĩ khả năng, năng lực của mình, không tìm hiểu kĩ năng lực và sở thích của mình mà cứ đi theo sự động viên, định hướng của gia đình và thầy cô mà không phù hợp thì sẽ là sai lầm.

Tuyệt đối không để cho người khác quyết định năng lực, sở thích cũng như đam mê của bạn mà chính bạn phải tự quyết định cho tương lai của chính mình.

Đánh giá sai năng lực và tính cách bản thân

Nếu như bạn đánh giá năng lực của mình sai, bạn sẽ đánh mất cơ hội vào những ngôi trường tốt, ngành học phù hợp. Còn khi bạn đánh giá năng lực bản thân cao thì sẽ phải đối mặt với kết quả thi trượt hoặc không theo được chương trình học. Có nhiều bạn nghĩ rằng mình có năng lực thi vào ngành vào trường đại học nào thì mình cũng sẽ thành công với ngành mà mình đã chọn. Đây là một quan điểm chưa đúng. Chẳng hạn như bạn học giỏi các môn xã hội  rồi sau này đi thi hướng dẫn du lịch và đậu vào ngành. Nhưng bạn lại không có khả năng diễn đạt tốt, ngại ngần khi đứng trước nhiều người thì lúc đó bạn sẽ không phát triển tốt trong nghề.

Đồng nhất giữa sở thích và khả năng

Điều này là không hoàn toàn đúng. Chẳng hạn như bạn rất thích bóng rổ, bạn muốn trở thành cầu thủ nổi tiếng, nhưng khả năng biểu diễn không đạt hoặc không làm chủ được cảm xúc trong trận đấu…. Tuy nhiên, nếu như bạn rất thích, đam mê, có sự kiên trì thì bạn vẫn có thể đạt được thành quả mong muốn với sự nỗ lực hết mình.

Chọn nghề theo người thân

Chúng ta hay có quan niệm chọn nghề theo truyền thống của gia đình. Có một thực tế là: khi vào học đại học lại có những trường hợp bỏ học vì chán. Lí do là họ dành quá ít thời gian tìm hiểu về bản thân, nhìn nhận lại bản thân để coi xem khả năng mình là gì, năng khiếu của mình ra sao và sở thích của mình như thế nào.

Th.S Trịnh Quốc Vương – Giáo viên trường THPT Sài Gòn

-->